Sự phát triển của internet, mạng xã hội và ảnh hưởng của food influencers, fitness influencers đã du nhập những phong cách sống và tiêu thụ thực phẩm lành mạnh từ các nước Mỹ, Nhật vào Việt Nam. Chính vì thế, nửa cuối năm 2017 bùng nổ các thảo luận về “ăn uống healthy”, các phương pháp ăn kiêng hạn chế carbohydrate (low carb, eat clean) và xu hướng thực phẩm mới (thực dưỡng, sữa hạt) cũng như “kiêng và thay thế phụ gia thực phẩm” (less is more)…
Trong 5 tháng gần đây, nội dung ăn uống lành mạnh tạo ra gần 1 triệu nội dung thảo luận trên mạng xã hội. Nghiên cứu về đề tài này tạo cơ hội cho các thương hiệu Ngành thực phẩm, FMCG và Lifestyle có thể hiểu hơn về các nguyên tắc lựa chọn và chế biến thực phẩm mới nhất mà người tiêu dùng đang áp dụng, cũng như quan điểm về “sống lành mạnh” của người dùng Việt Nam. Số liệu trong báo cáo này được cung cấp bởi YouNet Media, agency hàng đầu về Social Insight & Solution tại Việt Nam.
Cải thiện cuộc sống về mọi mặt là động lực để người Việt theo đuổi thói quen ăn uống lành mạnh
Trong số 3,081 thảo luận về động lực thúc đẩy thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh hơn, có tới 31% người thảo luận cho rằng điều đó sẽ giúp nâng cao chất lượng sống của họ một cách toàn diện. Được truyền cảm hứng từ thống kê tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới của người Nhật, cũng như nỗi lo ngại về nhịp sống vội vàng của đô thị, những người tham gia thảo luận cho rằng ăn uống lành mạnh là một thói quen mới khó rèn luyện nhưng đem lại kết quả tốt đẹp về lâu dài đối với mọi mặt cho con người, cả thể chất và tinh thần.
Kèm theo đó, khi có tư duy ăn uống lành mạnh để cải thiện cuộc sống, người dùng cũng quan tâm hơn đến rèn luyện thể thao (581 thảo luận nhắc tới mục tiêu tập luyện thể thao đều đặn hơn) và hạn chế sử dụng các sản phẩm chăm sóc gia đình có chất hóa học (256 thảo luận nhắc tới thay đổi dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước rửa bát sang sản phẩm từ thiên nhiên).
Phụ nữ đóng góp hơn 80% thảo luận về ăn uống lành mạnh. Không có gì ngạc nhiên khi động lực của họ bắt nguồn từ nhu cầu cải thiện chất lượng thực phẩm cho con cái của mình từ khi còn là thai nhi cho đến giai đoạn ăn dặm, mẫu giáo. Đặc biệt, sự băn khoăn về việc dùng sữa bò, thịt động vật gây tác hại lâu dài hoặc gây dị ứng khiến cho các mẹ tìm đến những phương pháp thay thế để bổ sung calci và vitamin cho con (26,7%).
Cùng với những quan điểm về việc ăn uống lành mạnh giúp sức khỏe của các bé tốt hơn, những phụ nữ trẻ cũng thực hiện các phương pháp ăn uống điều độ để giảm cân và có làn da tươi tắn hơn, hạn chế những khiếm khuyết về ngoại hình như vòng hai quá khổ hoặc nổi mụn không rõ nguyên nhân (21,7%).
Ngoài ra, có 20,6 % thảo luận cho rằng “ăn uống healthy” sẽ giúp mình phòng trị bệnh tốt hơn, tránh việc phải sử dụng kháng sinh cũng như các loại thuốc khác. Những căn bệnh phát sinh do ăn uống thiếu điều độ như đau dạ dày, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, suy thận hay ung thư cũng là động lực khiến các bệnh nhân tìm tới chế độ ăn uống lành mạnh.
Top các xu hướng ăn uống lành mạnh nổi bật nhất cuối năm 2017
Ăn chay (523,219 thảo luận): Có tới 43,3% người trẻ từ 18-24 tuổi ăn chay so với 46,9% là người trưởng thành từ 25-34 tuổi. Hoạt động ăn chay gắn liền với những thảo luận về tín ngưỡng và tinh thần nhân đạo với động vật (137,916 thảo luận). Ngoài ra, quan niệm ăn thịt tạo độc tố cho cơ thể cũng khiến nhiều người chuyển sang ăn chay (32,234 thảo luận. Có 8,085 thảo luận hỏi về các thực phẩm nào được phép và không được phép trong ăn chay cho thấy nhiều người ăn chay còn bối rối trong việc lựa chọn thực phẩm chay.
Thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ - Organic (178,535 thảo luận): Lo lắng về thực phẩm phun quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thành phần kháng sinh trong thịt động vật, nhiều người tìm đến thực phẩm có chứng nhận ”organic” dù mức giá khá cao. Dù vậy người tiêu dùng vẫn còn nhiều hoài nghi về nguồn gốc “organic” của sản phẩm chế biến sẵn (1,238 thảo luận) và chuyển sang mua các sản phẩm thịt cá, rau củ do cơ sở sản xuất nhỏ ở nông thôn (4,737 thảo luận). Những người mẹ trẻ sành điệu có xu hướng lựa chọn các sản phẩm trái cây khô và thức ăn, sữa cho trẻ em nhập khẩu từ nướcngoài do sự khắt khe trong tiêu chuẩn và kiểm dịch (865 thảo luận).
Sữa hạt (127,870 thảo luận): Đối diện trước các thông tin về sữa bò tươi không dành cho con người, sữa bột gây dậy thì sớm, những người mẹ Việt Nam đã tìm đến các công thức sữa hạt để cung cấp một thức uống an toàn, “thay thế sữa bò” cho con của mình. Cho dù bên cạnh đó có nhiều nguồn tin chuyên môn khẳng định sữa hạt “không đủ dưỡng chất” và không phải là sữa, các bà mẹ Việt Nam vẫn lựa chọn vì hương vị sữa hạt được trẻ em ưa thích (1,561 thảo luận).
Chế độ Low Carb (47,853 thảo luận): Các thảo luận về low carb trên Social Media vẫn rất sôi nổi vì đây là phương pháp ăn kiêng giảm cân hiệu quả nhanh. Tuy nhiên hiện nay những bất lợi của low carb với sức khỏe đã được người ăn kiêng nhận diện nhiều hơn (2,542 thảo luận). Thay vào đó, các thức ăn low carb như snack ăn kiêng, protein bar, tinh bột tốt lại được hưởng ứng nhiệt tình (1,921 thảo luận).
Nước hoa quả Detox (41,520 thảo luận): Các công thức nước có ngâm hoặc xay hoa quả có sức hút khá lớn trên mạng xã hội. Số lượng phụ nữ từ 18-34 tuổi chiếm tới 90% thảo luận về đề tài này. Cho dù nước detox có chức năng chính là giải độc và làm mát cơ thể, mục đích uống detox của chị em chủ yếu là để giảm cân (21,729 thảo luận), sau đó là đẹp da, trị mụn (15,853 thảo luận) và cuối cùng mới là phòng tránh bệnh tật (2,631 thảo luận).
Thực dưỡng (16,521 thảo luận): là một xu hướng ăn uống lành mạnh rất đáng chú ý đối với các bệnh nhân tại Việt Nam với rất nhiều thảo luận chất lượng trên Social Media. Chế độ ăn nghiêm khắc “Thực dưỡng số 7” với 100% gạo lứt, muối mè là từ khóa gây tranh cãi nhất tại các thảo luận về thực dưỡng do hiệu quả chữa bệnh trông thấy nhưng thiếu chất và gây kiệt quệ cho con người (1,548 thảo luận). Đối tượng nói về thực dưỡng chủ yếu là người bệnh, người nhà bệnh nhân (68%), phụ nữ có con nhỏ (22%) và một số ít phụ nữ giảm cân làm đẹp với sản phẩm “trà gạo lứt” (8%).
Xu hướng thay thế phụ gia thực phẩm (13,296 thảo luận): tuy chưa thực sự quá phổ biến nhưng cho thấy những gia vị căn bản, nguồn gốc tự nhiên, ít phụ gia công nghiệp ngày càng được người tiêu dùng thông thái ưa chuộng. Nhận thức việc đưa các chất hóa học vào cơ thể sẽ đem lại tác hại lâu dài, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm các nguyên liệu nấu ăn hết sức quen thuộc như đường tinh luyện, muối tinh luyện, dầu ăn, nước mắm… sản xuất hàng loạt từ nhà máy bằng các nguyên liệu tự làm hoặc do cơ sở địa phương tin cậy làm ra.
Eat clean (10,869 thảo luận): là phương pháp ăn kiêng giảm cân mới nổi được influencer về fitness nổi tiếng là Hana Giang Anh “lăng xê” nhiệt tình (2,148 thảo luận từ nguồn Hana Giang Anh). Chị em phụ nữ tỏ ra ưa chuộng Eat clean vì cân bằng về dinh dưỡng tốt hơn so với Low carb, trong khi hiệu quả giảm cân được ghi nhận là khá ấn tượng. Các thực đơn eat clean ưu tiên các tinh bột tốt như yến mạch, bột mì đen và một số hoa quả ở phương Tây như việt quất, hạt chia (dùng cho thực đơn ăn sáng overnight oats). Chính vì thế nhiều người tiêu dùng thắc mắc về nơi bán các thực phẩm này tại địa phương của họ (866 thảo luận).
Thực phẩm không biến đổi gen – non GMO (7,010 thảo luận): là tiêu chí lựa chọn thực phẩm mới của năm 2017. Tuy nhiên tại Việt Nam có nhiều thông tin cho rằng đa số các sản phẩm từ đậu nành và ngô tại Việt Nam là nguồn gốc GMO tạo nên làn sóng hoang mang, khiến họ chuyển sang các thực phẩm nước ngoài có chứng nhận GMO ở bao bì để yên tâm hơn.
“Cắt giảm” và “thay thế” - những từ khóa quan trọng về chế biến thực phẩm cuối năm 2017
Cùng với những nhận thức mới về ăn uống lành mạnh, trào lưu hạn chế sử dụng và thay thế gia vị, nguyên liệu chế biến được cho là độc hại bằng các sản phẩm tự nhiên đã phổ biến trên Social Media.
Đường tinh luyện (109,594 thảo luận): với nhận thức rằng đường và đồ ngọt gây nên các bệnh béo phì, tiểu đường, có 68% người tham gia thảo luận muốn hạn chế sử dụng đường và 32% có nhu cầu loại bỏ đường tinh luyện hoàn toàn khỏi món ăn của mình. Chị em phụ nữ cũng cân nhắc sử dụng các nguyên liệu mật ong, đường phèn, mật mía trong các món ăn gia đình.
Dầu ăn tinh luyện (14,887 thảo luận): Có nhiều thông tin trên mạng xã hội về việc ăn nhiều đồ ăn chiên rán, dầu mỡ không tốt cho sức khỏe, có 74% người thảo luận mong muốn giảm ăn dầu trong chế biến và 26% có nhu cầu loại bỏ dầu ăn tinh luyện. Nhiều người tiêu dùng cho biết đã thay thế bằng các loại dầu nguyên chất và “low carb” hơn, trong đó, dầu oliu chiếm tới 468 thảo luận, dầu dừa đứng thứ hai chiếm 327 thảo luận.
Muối ăn tinh luyện (10,563 thảo luận): Muối ăn là thực phẩm rất thiết yếu trong đời sống thực phẩm tuy nhiên gây hệ lụy về sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều. Nhiều người nội trợ thông thái tại Việt Nam quyết định lựa chọn chế độ ăn nhạt hơn cho gia đình mình (69%) và chỉ có 31% hoàn toàn loại bỏ muối tinh luyện khỏi bữa ăn. Thay vào đó, người tiêu dùng ưa chuộng một số loại muối được cho là nguyên bản hơn (muối hầm), hoặc nhiều khoáng chất hơn (muối Himalaya).
Bột ngọt (979 thảo luận): Do một số thảo luận trái chiều về tác hại của bột ngọt và biểu hiện dị ứng bột ngọt (say mì chính) nên một số người bày tỏ họ muốn loại bỏ hoàn toàn gia vị này khỏi bữa ăn của mình (57%), cao hơn so với những người muốn giảm bớt tiêu thụ bột ngọt (43%). Một số giải pháp thay thế cho bột ngọt là sử dụng bột tôm, các loại nấm hoặc lá chùm ngây để tạo độ ngọt cho món chiên xào.
Hạt nêm (132 thảo luận): Trên mạng xã hội, hạt nêm vẫn được chấp nhận hơn bột ngọt nhờ có thành phần thịt và xương hầm. Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn e ngại vì thành phần nhiều chất hóa học, điều vị nên 45% người thảo luận muốn cắt giảm và chỉ có 54% là có nhu cầu bỏ sử dụng hạt nêm. Thay vào đó, nước hầm thịt và xương, hay nước hầm rau như củ cải đường được ưu tiên để tạo độ ngọt cho món canh.
Ngoài nội dung cắt giảm gia vị, thảo luận thay thế sản phẩm từ sữa động vật bằng đậu nành (5,534 thảo luận), hay thay thế gạo trắng (xay xát kỹ lưỡng) bằng hạt mầm, gạo lứt (3,833 thảo luận) cho thấy người tiêu dùng đang dần ưu tiên và sử dụng các sản phẩm thiên về tự nhiên, nhiều dưỡng chất nhưng ít qua chế biến hơn.
Nắm bắt xu hướng ăn uống lành mạnh sẽ tạo nên lợi thế lớn cho thương hiệu trên Social Media
Truyền thông rõ ràng hơn về thành phần dinh dưỡng, xuất xứ: Khi chọn mua hoặc sử dụng sản phẩm, nhiều người tiêu dùng sẽ đọc các thông tin về dinh dưỡng (chứa bao nhiêu calo, có transfat hay không), hay sản phẩm có phù hợp với mục đích của mình hay không (phù hợp cho người ăn chay hay giảm cân), có an toàn hay không (có chứng nhận non-gmo, organic không). Các thông điệp sản phẩm an toàn thể hiện, có chứng nhận trên bao bì sản phẩm và mạng xã hội sẽ giúp sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng kỹ tính.
Tăng cường sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên: Việc cắt giảm các nguyên liệu đường, muối tinh luyện, dầu ăn tinh luyện… hé lộ xu hướng ăn uống thuận với tự nhiên và nguyên liệu “back to basic”. Với những nguyên liệu an toàn và thân thiện, chắc chắn sản phẩm của thương hiệu sẽ ghi điểm và có lợi thế hơn trên kệ mua hàng.
Tiên phong trong các nguyên liệu mới, phương pháp mới: Những phong cách ẩm thực phương Tây và phương Đông đã du nhập những nguyên liệu mới lạ và trở thành hot trends năm 2017 như yến mạch, lúa mì đen, gạo lứt, hạt mắc ca, hạt chia, việt quất, rong tảo biển… Việc thường xuyên theo dõi và thêm vào thành phần thực phẩm mới lạ cũng như sử dụng các KOL/Influencer về lĩnh vực ăn uống healthy sẽ khiến thương hiệu luôn là “top of mind” về bảo vệ sức khỏe đối với người tiêu dùng thông thái.
Cung cấp sự tiện lợi: Người ăn uống lành mạnh tại Việt Nam hiện nay đang tốn nhiều công sức để tìm mua các sản phẩm lành mạnh cho các bữa ăn sáng, trưa, tối và đồ uống trong ngày. Các thương hiệu cung cấp những giải pháp tiện lợi cho xu hướng ăn uống kể trên sẽ được cộng đồng người ăn kiêng đón nhận nhiệt tình.
Ý tưởng quà tặng dịp Tết: Đầu xuân năm mới đem lại cho những khách hàng hy vọng về sức khỏe và trường thọ. Những món quà có thành phần organic, ngũ cốc, các loại hạt dinh dưỡng và hoa quả sấy khô an toàn sẽ là gợi ý tuyệt vời cho thương hiệu ngày Tết Dương Lịch và Âm Lịch 2018.
HofProore
19/11/2022